Hướng đi mới của Nông dân thị trấn Hậu Nghĩa trong thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ “Trồng Chà là Redbarhee kết hợp với nuôi cá rô đầu nhím”
Trồng trọt hữu cơ là một hình thức nông nghiệp bền vững đặc biệt, trong đó không sử dụng các loại phân bón và hóa chất hóa học độc hại. Thay vào đó, nó dựa vào các phương pháp tự nhiên để duy trì và cải thiện sự khỏe mạnh của đất đai, cây trồng và hệ sinh thái nông nghiệp. Với tinh thần cần cù, lao động sáng tạo, ý chí vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nông dân Phạm Văn Riểu, cư ngụ tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học “Trồng Chà là Redbarhee kết hợp với nuôn cá rô đầu nhím” bước đầu mang lại hiệu quả

Cây Chà là Redbarhee được anh đưa vào trồng tại Đức Hòa, Long An từ năm 2022, ban đầu anh trồng khoảng 170 cây giống (mỗi cây phôi cấy mô có giá khoảng 6,5 triệu đồng), đến nay anh đã nhân rộng trên địa bàn huyện Đức Hòa với khoảng 1.000 cây và đang trong giai đoạn cho trái bối. Trong quá trình trồng trọt hữu cơ anh luôn giữ cho đất đai và nước sạch từ các chất độc hại, không sử dụng hóa chất nhân tạo như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và herbicide thay vào đó anh dùng phân chuồng ủ hoai mục thành phân hữu cơ vi sinh anh cho biết cũng giống như trồng cây Dừa ở Việt Nam, thời gian sinh trưởng của cây rất dài, để đảm bảo chi phí, với phương châm: “lấy ngắn nuôi dài” anh tận dụng các mương nước có sẳn, lấy nguồn nước địa phương để nuôi cá rô đầu nhím. Cuối năm 2024 anh có đợt bán cá đầu tiên khoảng 10 tấn, lợi nhuận bình quân mỗi ký cá thương phẩm khoảng 5.000 đồng/Kg. Qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông, để tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận anh quyết định đầu tư hệ thống máy làm thức ăn cho cá, với dây chuyền chế biến này anh có thể kiểm soát được hàm lượng dinh dưỡng mà còn tận dụng được nguồn nông sản như bắp, lúa,… tại địa phương để làm thức ăn chăn nuôi.

Chúng tôi có dịp đến thăm anh vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử, đúng vào thời gian anh thu hoạch lứa cá tiếp theo, anh hồ hỡi chia sẽ “ đợt cá này anh suất bán khoảng 2.000 Kg cá thương phẩm, với giá giao động từ 40.000 – 42.000 đồng/Kg. Sau khi trừ chi phí, dự kiến lợi nhuận thu về từ 10.000-12.000 đồng/Kg “; anh cũng cho biết thêm. Để đảm bảo nguồn nước cho cá sinh trưởng tốt, anh thường xuyên vệ sinh mương nước sau mỗi đợt thu hoạch, lấy nước tưới cho cây Chà là từ đó anh giảm được chi phí bón phân cho cây mà còn tạo được môi trường nước mới cho lứa cá tiếp theo. Với việc kết hợp như thế anh đã thực hiện có hiệu quả mô hình nông nghiệp hữu cơ là một khái niệm ngày càng được chú ý trong bối cảnh toàn cầu hóa nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Một trong những đặc điểm quan trọng của trồng trọt hữu cơ là việc giữ cho đa dạng sinh học được bảo toàn, sự cân bằng tự nhiên giữa cây Chà là và Cá rô đầu nhím trong môi trường trồng trọt, tạo ra hệ sinh thái tự nhiên mà không cần sử dụng các loại hóa chất độc hại. Có thể nói rằng trồng trọt hữu cơ không chỉ là một hệ thống sản xuất thực phẩm an toàn và giàu dinh dưỡng mà còn là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và duy trì sức khỏe của đất đai. Đây cũng là xu thế tất yếu mà người tiêu dùng đang chuyển hướng hỗ trợ và thúc đẩy phương thức này, góp phần vào sự phồn thịnh của nền nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Hy vọng rằng với việc xây dựng hình mẫu người nông dân thị trấn Hậu Nghĩa trong giai đoạn hiện nay, sẽ góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tương lai và mô hình trồng Chà là Redbarhee của anh Nông dân Phạm Văn Riểu sẽ là minh chứng cho việc trồng trọt hữu cơ hướng tới bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.
HỘI NÔNG DÂN THỊ TRẤN HẬU NGHĨA