SỰ LAN TOẢ TÍCH CỰC CỦA VIỆC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG CANH TÁC LÚA
Để thực hiện đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Thông qua hoạt động tuyên truyền, tập huấn của các cơ quan chuyên môn, nông dân đã tiếp cận nhiều thông tin mới, nhất là việc ứng dụng các chế phẩm sinh học trong canh tác lúa. Khuyến khích áp dụng các biện pháp giúp thúc đẩy phân huỷ gốc rạ như cày vùi, băm hay làm dập gốc rạ, phun bổ sung chế phẩm sinh học. Đầu tháng 4 năm 2025, Trung Tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tỉnh đã phối hợp Cty Cổ phần hữu cơ sinh học (CPHCSH) Phương Đông tổ chức hội thảo đánh giá việc ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác lúa tại Trại lúa giống xã Kiến Bình, Huyện Tân Thạnh. Địa điểm nầy trước đây là nơi nghiên cứu về đất phèn của vùng Đồng Tháp Mười của Tỉnh nên đặc trưng đất và nước vùng nầy có độ phèn Sắt rất cao. Kết quả thực nghiệm cho thấy chế phẩm sinh học Bio Lacto EM (vi khuẩn Lactobacillus) đã giúp phân hủy rơm rạ nhanh, tránh ngộ độc hữu cơ, cải tạo đất, hạ phèn, giúp cây lúa mọc khoẻ, hấp thu tốt dinh dưỡng, ít đổ ngã, giảm chi phí phân bón và thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất. Vi khuẩn Bacillus còn có khả năng hoạt động trong điều kiện ngập nước trong thời kỳ ruộng mới gieo sạ nên có tác dụng hạn chế hiện tượng lúa cỏ, lúa lộn có hiệu quả

Hình 1: Đại biểu tham quan ruộng trình diễn chế phẩm sinh học Bio Lacto EM
Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao tác dụng của chế phẩm sinh học BioLacto EM cho cây lúa trên vùng đất phèn. Điều đáng ghi nhận là hiệu quả của việc ứng dụng chế phẩm sinh học nầy trên cây lúa đã lan toả rất nhanh trong các vùng trồng lúa trọng điểm của Tỉnh. Hội Làm Vườn cũng đã phối hợp với Trung Tâm Khuyến Nông và Dịch vụ Nông nghiệp Tỉnh và Cty CPHCSH Phương Đông phổ biến tiến bộ kỹ thuật nầy đến các CLB Canh tác thông minh ( CLBCTTM) vùng lúa. Trong đó, nổi bật nhất là CLBCTTM xã Thuận Nghĩa Hoà, Huyện Thạnh hoá được người dân tại đây hưởng ứng rất tốt. Ngoài ra, nhiều vùng trồng lúa khác trong Tỉnh, nhất là những vùng ảnh hưởng phèn đầu vụ Hè Thu như Thủ thừa, Đức Huệ, Vĩnh hưng, Tân Thạnh… bước đầu cho thấy kết quả ứng dụng chế phẩm sinh học Biolacto EM có ảnh hưởng tốt đến sự phát sinh trưởng, phát triển cây lúa
Hình 2: Ruộng ứng dụng CPSH BioLacto EM và ruộng đối chứng không sử dụng của hộ Nguyễn Hoàng Anh, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ
Để thực hiện NQ số 36 ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”; trong các đề án sản xuất gắn với tăng trưởng xanh của Ngành nông nghiệp cần có nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ để các sản phẩm sinh học tiếp cận với sản xuất, thay dần cho các sản phẩm hoá học làm ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn thực phẩm. Trong đó, với hoạt động của Trung Tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tỉnh sẽ giúp nông dân ứng dụng trực tiếp các sản phẩm sinh học trong canh tác, giúp họ thay đổi được nhận thức, thói quen lạm dụng phân, thuốc hoá học như hiện nay; đồng thời chính những nhân tố tích cực nầy sẽ lan toả cách làm mới cho cộng đồng, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu./.
Nguyễn Thanh Tùng Hội Làm Vườn Tình Long An