image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Hạn mặn và các vấn đề cần lưu ý trong sản xuất lúa và cây ăn trái trong mùa khô 2023-2024 tại Long An
Anh-tin-bai

Đoàn khảo sát lúa chế do hạn mặn

Nhìn chung, lúa và cây ăn trái là các loại cây trồng có nhu cầu sử dụng nước tưới khá lớn, đặc biệt là trong mùa khô nếu thiếu nước tưới và xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cây sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng. Như vậy, để đối mặt với “cuộc chiến hạn mặn” đã và sẽ còn tiếp diễn; đồng thời để hạn chế nguy cơ hạn mặn, thiếu nước tưới cho cây trồng trong mùa khô 2023 - 2024 trên địa bàn Tỉnh, nông dân cần lưu ý một số điểm quan trọng như sau:

Thứ nhất, cần thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình hạn mặn thông qua các báo, đài, tuyền thanh để nắm thông tin một cách chính xác và nhanh nhất để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Thứ hai, nên tháo vét hệ thống kênh mương dẫn nước tưới và chủ động việc trữ nước ngọt, để tưới cho cây trồng trong mùa khô năm 2023 - 2024.

Anh-tin-bai

Vườn cây ăn quả nên tháo vét kênh/mương và chủ động trữ nước ngọt trong mùa khô

Thứ ba, trong trường hợp cần lấy nước từ kênh rạch để bơm tưới cho cây trồng nói chung, trước tiên nông dân cần kiểm tra độ mặn của nước. Lưu ý, nên lấy nước ở độ sâu tương ứng với độ sâu của đầu bơm rút nước(vì nếu chỉ lấy nước trên mặt thì chưa đánh giá chính xác độ mặn của nước cần bơm). Không bơm nước tưới có độ mặn trên 1‰, để tránh làm tăng độ mặn trong đất, bởi vì đất bị nhiễm mặn rất khó cải tạo, phục hồi.

Thứ tư, trong thời điểm hô hạn và nguy cơ xâm nhập mặn có thế xảy ra đối với cây trồng nói chung, không bón phân có hàm lượng đạm cao; cần tăng cường khả năng chống chịu cho cây thông qua việc bổ sung phân bón lá giàu Can-xi, Silic,… Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm  như  Hydrophos, K-Humate, Super Humic, các sản phẩm có KNO3,… phun 3 - 5 ngày/lần. Sau khi đất đã bị nhiễm mặn và có nước mưa (hoặc nước ngọt) nên sử dụng vôi bột với liều lượng từ 500  - 1.000 kg/ha kết hợp với dùng nước để rữa mặn.

Thứ năm, đối với mỗi nhóm cây trồng thì nông dân cần một số lưu ý cụ thể như sau:

- Đối với cây lúa

Hiện nay, có 9.092 ha lúa (tại các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức,... ) đang ở giai đoạn làm đòng - trổ tập trung và 285 ha (tại huyện Thạnh Hóa) đang giai đoạn đẻ nhánh. Giai đoạn đòng-trổ là giai đoạn khá nhạy cảm với hạn mặn, nếu thiếu nước tưới trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến quá trình làm đòng, trổ bông và làm giảm năng suất lúa. Đối với vùng đất nhiễm phèn, khô hạn còn làm tăng nguy cơ ngộ độc phèn cho cây lúa. Do đó, cần tận dụng nguồn nước ngọt để tưới cho lúa giai đoạn đoạn đòng-trổ. Trường hợp, không có nguồn nước ngọt thì có thể sử dụng nước nhiễm mặn nhẹ (dưới 1‰) để bơm tưới cho lúa giai đoạn đòng trổ. Lưu ý, chỉ bơm nước nhiễm mặn nhẹ (dưới 1‰) khi thật sự cần thiết và nên bơm nước trước khi đất nứt nẻ.

- Đối với cây ăn trái

Thời gian qua, tình hình khô hạn cũng như xâm nhập mặn gây ra thiệt hại không nhỏ đối với sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Long An.

Trong các giai đoạn sinh trưởng của cây ăn trái, giai đoạn kinh doanh là giai đoạn cây ăn trái có nhu cầu sử dụng nước khá lớn. Trong mùa khô, nhu cầu sử dụng nước tưới cho cây ăn trái dao động từ 0,4 đến 5,3 m3/cây/tháng. Do đó, bên cạnh việc chủ động trữ nước tưới, nên sử dụng hệ thống tưới tiên tiến (tưới phun sương, tưới nhỏ giọt) để cung cấp nước tưới cho cây ăn trái, vừa tiết kiệm lượng nước tưới, vừa sử dụng nước tưới đạt hiệu quả.

Anh-tin-bai

Hệ thống tưới tiên tiến khuyến cáo áp dụng cho vườn cây ăn trái, sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm và đạt hiệu quả trong mùa khô

Trong thời điểm khô hạn và thiếu nước tưới, để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây nên, nên tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa/ trái. Khhông nên xử lý cho cây ra nhiều hoa nếu nguồn nước tưới không đảm bảo đầy đủ cho cây giai đoạn đậu trái và phát triển trái. Nên tủ gốctăng cường bón phân hữu cơ (kết hợp với sử dụng nấm Trichoderma) để duy trì độ ẩm cho cây ăn trái.

Trong thời gian nhiễm mặn, chỉ tưới tối thiểu để giúp cây không bị héo và mặt đất không khô nứt, nên kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới. Đối với một số cây mẫn cảm với mặn (sầu riêng, chuối, đu đủ, chanh dây,…) không tưới khi nồng độ mặn trên 0,5 ‰.

Như vậy, ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Long An trong thời gian tới còn nhiều diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Do đó, việc nắm rõ và chủ động ứng phó trước những diễn biến bất thường của hạn mặn hiện nay là việc làm rất quan trọng và cần thiết nhằm giảm thiểu các tác hại do biến đổi khí hậu gây ra, để sản xuất nông nghiệp của Tỉnh đạt được hiệu quả./.

Trúc Đào/Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An

Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM TỈNH LONG AN
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Văn Hùng.
Địa chỉ: Số 02 Đường Song Hành, phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Điện thoại: 0272 3826 350 -  Fax: 0272 3835 480  -  Email: hoinongdan@longan.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang